nhathuoctot.com
Kinh nguyệt là tấm gương phản ánh tình hình hoạt động nội tiết của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng và tình trạng của niêm mạc tử cung, là thước đo quá trình diễn biến hoạt động sinh dục của người phụ nữ. Lấykinh nguyệt làm mốc để chia cuộc đời hoạt động sinh dục của người phụ nữ thành các thời kỳ khác nhau: Thời kỳ niên thiếu: trước khi người phụ nữ hành kinh lần đầu. Tuổi dậy thì: được đánh dấu bằng kỳ hành kinh đầu tiên. Thời kỳ hoạt động sinh sản: là thời kỳ trong đó người phụ nữ hành kinh đều đặn, vòng kinh có phóng noãn, có khả năng sinh sản. Sau đây là những kiến thức về kinh nguyệt mà chị em cần biết để chăm sóc sức khỏe sinh sản được tốt.
Tuổi có kinh
Tuổi có kinh thường bắt đầu từ lúc 12, 13 tuổi cũng có trường hợp sớm hơn hay muộn hơn. Ngày nay, chế độ dinh dưỡng cùng nhiều yếu tố khác khiến tuổi dậy thì sớm hơn, thậm chí có những trường hợp thấy kinh lúc mới 8, 9 tuổi hoặc sớm hơn nữa. Thấy kinh sớm quá cũng không tốt. Ngoài việc các bé chưa biết cách chăm sóc, bảo vệ mình, một số trường hợp (dù hiếm) có thể bị những khối u tuyến yên nên kích thích dậy thì sớm.
Khi kinh nguyệt có những biểu hiện bất thường nên đi khám để được bác sĩ tư vấn.
Chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh có thể thay đổi giữa người này, người khác, nhưng ít thay đổi ở cùng một người ở trong tuổi hoạt động sinh dục. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ tính từ lúc bắt đầu thấy kinh của chu kỳ này đến lúc bắt đầu của chu kỳ tiếp theo, chuẩn nhất là 28 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp sớm hơn (dưới 28 ngày, thậm chí mới 20 ngày đã đến vòng kinh), hay muộn hơn (trên 28 ngày), bị bế kinh (nhiều tháng liền không có kinh) hay bị rối loạn kinh nguyệt (lúc sớm lúc muộn, không thể xác định được chu kỳ). Tất cả các trường hợp chu kỳ kinh không đều dẫn đến khó xác định được ngày rụng trứng tránh thai theo vòng kinh. Nhất là với các trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt hay vài tháng mới có kinh một lần thì cơ hội mang thai có thể khó hơn (có thể là nguyên nhân của hiếm muộn).
Đặc điểm của kinh nguyệt
Kinh nguyệt là một hỗn dịch máu không đông trong chứa cả chất nhầy của tử cung, của cổ tử cung, của vòi trứng, những mảnh niêm mạc tử cung, những tế bào bong của âm đạo, cổ tử cung. Máu thực sự chỉ chiếm 40%. Kinh chứa các chất protein, các chất men và các prostaglandin... Máu kinh có mùi hơi nồng, không tanh như máu chảy do nguyên nhân khác.
Số lượng?
Lượng máu mất trong mỗi kỳ kinh thay đổi theo tuổi, ở lứa tuổi 50, lượng máu kinh nhiều hơn so với tuổi 15. Nói chung, lượng máu kinh bình thường vào quãng 60 - 80ml. Số ngày thấy kinh là 3, 4 ngày. Lượng máu kinh thường nhiều vào những ngày giữa, không có mối liên quan nào giữa độ dài của kỳ kinh và lượng máu kinh. Lượng máu kinh khác nhau giữa người này và người khác, nhưng không khác bao nhiêu giữa các kỳ kinh của mỗi người. Những trường hợp chỉ thấy kinh 1, 2 ngày là sạch gọi kinh ít (thiểu kinh) hay kinh kéo dài hơn 1 tuần, lượng kinh nhiều gọi là băng kinh (hay cường kinh) đều cần đi khám kiểm tra.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Trước khi có kinh vài ngày, một số phụ nữ cảm thấy dễ bị kích thích, hay cáu bẳn, khó tập trung, tính khí thất thường, khó tính. Cũng có thể có cảm giác nặng nề, vú cương đau và to hơn bình thường, đau bụng trước khi thấy kinh... một số người thì không. Hiện tượng này gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường, máu kinh thường vô khuẩn, tuy nhiên nếu vệ sinh kinh nguyệt không đúng sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Vì vậy chúng ta không nên có quan niệm sai lầm như tránh tắm rửa, gội đầu hay tránh vận động trong ngày thấy kinh. Thay vào đó, nên tắm gội bằng nước ấm, vệ sinh vùng kín và thay băng nhiều lần, nên vận động nhẹ. Trong những ngày này, cũng nên tránh mặc các loại quần bó, chật.
BS. Phạm Minh Nguyệt
Những bất thường về màu sắc kinh nguyệt
Màu đỏ sẫm: Ðây là màu kinh nguyệt chung của phụ nữ bình thường.
Màu đỏ tươi: Không hẳn tốt như chúng ta nghĩ. Bởi hiện tượng này là do khí hư có hàn hoặc nhiệt như thở ngắn hơi, tiếng nói nhỏ yếu, người uể oải. Tình trạng này có thể cải thiện khi vệ sinh trong những ngày này đúng cách.
Màu xám: Có thể do bạn đang bị căng thẳng, stress. Tuy nhiên, cũng có thể đó là biểu hiện của một số bệnh về gan, đái tháo đường.
Màu đen sẫm: Có thể bạn đang bị nhiễm khuẩn đường sinh dục hay mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục.
Cục máu đông: Một số người có thể xuất hiện những cục máu đông trong khi hành kinh. Nguyên nhân có thể là do ít vận động.