Nếu bạn hỏi trẻ con thích gì nhất thì câu trả lời đầu tiên sẽ là kẹo bánh. Vì vậy mà khi các bà mẹ đi chợ về lúc nào cũng nhớ có chút quà bánh cho con, ai đi xa về cũng có “chút bánh kẹo làm quà”, trẻ con cũng rất thích Tết vì nhà nào cũng có bánh mứt lại được cho ăn uống thỏa thích… Bên cạnh thị trường đồ chơi trẻ con, kẹo bánh đã và đang là một thị trường phát triển mạnh nhất với nhiều chủng loại phong phú và mẫu mã đa dạng, màu sắc hấp dẫn.
Bánh kẹo có bổ không?
Bạn hãy thử nhìn vào thành phần dinh dưỡng và năng lượng của cái bánh được in trên nhãn hiệu bao bì. Bánh làm bằng chất bột rồi lại bổ sung đường ngọt, bơ hoặc dầu béo, kẹp nhân kem hay chocolate, đính thêm một miếng mứt hay trái cây khô phía trên…, toàn là những chất sinh năng lượng. Chất bột đường trong bánh kẹo được tiêu hóa hấp thu rất nhanh, chưa kể đến việc khi thích, bé có thể “nạp” một lúc cả chục cái bánh. Kẹo thì tuy rất ngọt nhưng lại cung cấp năng lượng rỗng do không kèm vitamin nên không có giá trị dinh dưỡng cao.
Sau khi cho trẻ ăn bánh kẹo cần cho trẻ đánh răng để phòng sâu răng.
|
Có nên cho trẻ ăn bánh kẹo?
Thật ra, đây là chuyện không thể cấm đoán. Có thể nói bánh kẹo là thực phẩm ít khi thiếu trong thực đơn hàng ngày của bé, do sự phổ biến của nó trong thực tế. Thế nhưng ăn bánh kẹo vào lúc nào, với số lượng bao nhiêu thì phải cân nhắc kỹ tuỳ vào từng trẻ.
Đa số trẻ gầy ốm thường ăn bánh kẹo lặt vặt trong ngày, làm cho khi tới bữa ăn chính, trẻ sẽ không có cảm giác thèm ăn và không thể ăn nhiều, hơn nữa quà bánh hay những gói snack và nhất là kẹo cũng không phải là những bữa phụ bổ dưỡng. Vì vậy, bánh kẹo có thể vẫn cho ăn nhưng phải được ăn ngay sau các bữa ăn chính hay phụ. Ví dụ như sau khi ăn đủ cơm hay uống hết ly sữa thì có thể ăn cả 10 cái bánh hay kẹo ngay cũng không sao.
Trẻ béo phì thì lại thích kẹo chocolate, bánh kem, chè… cao năng lượng, cộng với các bữa ăn bình thường thì tổng năng lượng vẫn dư và sẽ ngày càng tăng thêm lượng mỡ thừa. Vì vậy, những thức ăn vặt này cần được hạn chế hoặc nếu ăn thêm bánh thì phải giảm bớt cơm, ăn tăng rau…
Là một bác sĩ dinh dưỡng, tôi cũng đã gặp được cả hai thái cực: Một số bà mẹ rất định kiến với bánh kẹo, cho rằng chẳng bổ béo gì nên không cho trẻ ăn. Một số người lại rất vô tư cho trẻ thích ăn gì thì ăn, vì cho rằng cái nào cũng bổ. Có lẽ thái cực nào thì cũng không tốt. Điều quan trọng là cần có sự đa dạng trong ăn uống cho trẻ, nhưng vẫn chừng mực trong từng món ăn và khoa học về thời điểm cho ăn bánh kẹo.
Các bạn cũng không quên bánh kẹo chính là nguyên nhân số một gây sâu răng ở trẻ con, vì vậy, vệ sinh răng miệng là điều phải thực hiện thường xuyên, nhất là đối với những trẻ khoái ăn vặt.
BS. Đào Thị Yến Thủy (TT Dinh dưỡng TP.HCM)