Nguyên liệu
Bao gồm các loại lá có tinh dầu, có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... Có thể kết hợp nhiều loại lá như: Lá tre có tác dụng giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm, ra mồ hôi, sát khuẩn...; Lá sả tốt cho tiêu hóa, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm, chữa tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa...; Lá bưởi có tác dụng giải cảm, tiêu thực; Ngải cứu điều hòa khí huyết; Bạc hà sát khuẩn, chống viêm; Tía tô có công dụng khu phong trừ hàn, trị cảm mạo; Hương nhu có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, hành khí, chỉ thống trường, trừ thấp, chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi...
Lá bưởi, lá tre, hương nhu có tác dụng giải cảm rất tốt.
Cách làm
Các loại lá xông rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi vài phút. Người bệnh ở trong phòng kín, tránh gió lùa. Đặt nồi nước xông trên giường, người bệnh trùm kín chăn ngồi xông từ 10-15 phút. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh. Trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở nồi xông từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước đột ngột, có thể dẫn đến tình trạng sốc, tụt huyết áp, trụy tim mạch... Khi đã ra mồ hôi và cảm thấy dễ chịu thì thôi, không nên xông kéo dài, sau đó dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo sạch.
Trong khi xông, tinh dầu và các chất bay hơi trong thảo dược tác động trực tiếp qua đường hô hấp, qua da, niêm mạc mắt, mũi, tai, các xoang, giúp chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm mệt mỏi, ù tai, ngạt mũi, nhức đầu hiệu quả.Người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Sau khi xông xong nên ăn cháo hành, lá tía tô, cho thêm chút muối, hoặc uống nước ấm, nghỉ ngơi sẽ rất tốt.
Lưu ý: Không nên tắm ngay sau khi xông. Chỉ nên xông khoảng 1-2 lần, không xông nhiều lần, xông liên tục. Không nên xông khi đang sốt cao, cơ thể suy nhược, người già yếu, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc vừa mới sinh, đang bị tiêu chảy, sau khi uống rượu, mắc bệnh ngoài da, người bệnh tăng huyết áp, tim mạch...
Bác sĩ THANH XUÂN