Thông tin & Sự kiện

Bài học lớn cho các hãng dược phẩm

Ngày 06/04/2013 10:18

(SKDS) - Sau hơn 30 năm, biệt dược médiator do tập đoàn bào chế dược phẩm danh tiếng Servier (Pháp) sản xuất, phân phối và lưu hành trên thị trường tại 140 quốc gia trên toàn thế giới đã gây ra những tác dụng phụ và tai biến nghiêm trọng dẫn đến chết người... Mới đây, những sai phẩm của tập đoàn dược phẩm này mới bị các cơ quan công tố đưa ra khởi tố hình sự tại Pháp.

(SKDS) - Sau hơn 30 năm, biệt dược médiator do tập đoàn bào chế dược phẩm danh tiếng Servier (Pháp) sản xuất, phân phối và lưu hành trên thị trường tại 140 quốc gia trên toàn thế giới đã gây ra những tác dụng phụ và tai biến nghiêm trọng dẫn đến chết người... Mới đây, những sai phẩm của tập đoàn dược phẩm này mới bị các cơ quan công tố đưa ra khởi tố hình sự tại Pháp.
Vụ án làm xáo động cả nước Pháp
Biệt dược médiator do tập đoàn bào chế dược phẩm danh tiếng Servier (Pháp) sản xuất chứa hoạt chất chủ yếu là benfluorex. Được chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường týp 2, rối loạn mỡ máu, giảm béo... Từ năm 1977, sản phẩm đã được cấp phép bán và sử dụng khá rộng rãi trên thị trường dược phẩm tại Pháp cùng 140 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam... Tuy nhiên, mãi sau này người ta mới phát hiện hậu quả nghiêm trọng từ tác dụng phụ của loại thuốc này. Médiator cùng các dược phẩm khác có gốc benfluorex đã gây tàn phế, tử vong cho nhiều người.

BS. J. Servier - Chủ tịch Tập đoàn bào chế dược phẩm Servier tại tòa.
Bộ Y tế Pháp và các nước khác đã theo dõi nghiêm ngặt các sự cố nghiêm trọng này và thuốc lần lượt bị đình chỉ lưu hành trên thị trường dược thế giới. Tiếp theo đó, Bộ Y tế và Chính phủ Pháp đã quyết định khởi tố hình sự đối với Tập đoàn bào chế dược phẩm Servier do BS. Jacques Servier - làm Chủ tịch.
Vụ án đã làm xáo động cả nước Pháp cùng một số nước châu Âu và Hoa Kỳ..., hiện các cơ quan chức năng đang xúc tiến trong quá trình tố tụng. Tập đoàn Servier không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn phải bồi thường bằng tiền cho các nạn nhân... Từ vụ việc này, Chính phủ Pháp đã có những quyết định quan trọng trong việc thay đổi, cải cách các chính sách và quy định cơ bản, đồng thời tiến tới ban hành một bộ luật về các sản phẩm chữa bệnh... nhằm tránh những sự cố nghiêm trọng đáng tiếc như đã xảy ra.
Diễn biến vụ án “Médiator - Servier”
Qua điều tra, nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc, các cơ quan chức năng, Bộ Y tế Pháp cùng với các cơ quan y tế Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã thống nhất đánh giá hiệu quả hạn chế của loại thuốc này trong việc chữa trị các căn bệnh theo chỉ định của nó. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là ngoài những tác dụng phụ mà toa thuốc đã gây ra, biệt dược médiator cùng các dược phẩm khác có gốc benfluorex... còn gây ra những tai biến nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân như các chứng suy nhược thần kinh, đặc biệt làm tổn thương tới hệ thống các van tim của người bệnh, gây suy tim đến mức không thể phẫu thuật được, dẫn tới tàn phế về sức khỏe, giảm chất lượng sống, thậm chí tử vong sau quá trình sử dụng thuốc lâu dài.
Từ đó, các loại dược phẩm có chứa benfluorex dần bị đình chỉ lưu hành trên thị trường dược các nước. Riêng đối với biệt dược médiator, đã bị cấm lưu hành sớm nhất tại Bỉ - năm 1977, tại Thụy Sĩ năm 1979, tại Tây Ban Nha năm 2003, ở Ý năm 2004; trong vòng 33 năm (từ 1977 - 2009) nó đã làm chết từ 500 - 2.000 người sử dụng tại Pháp và mới bị cấm từ tháng 11/2009 (chậm nhất).

 

Thuốc médiator gây tử vong nhiều người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Xavier Bertrand đã lên án mạnh mẽ vụ án médiator của hãng Servier và tuyên bố: “Trách nhiệm trực tiếp thuộc về hãng dược này! Họ đã thất bại trong sứ mạng của mình...” và đã lập tức hạ lệnh kiểm tra nhanh 76 loại dược phẩm khác đang lưu hành tại thị trường Pháp, trong đó có một số dược phẩm đã và đang được cân nhắc xử lý như thuốc trị đái tháo đường starlix của hãng Novartis - Thuỵ Sĩ tỏ ra ít hiệu quả, diovan - thuốc trị huyết áp, isoméride - Servier, thalidomid - Đức (gây quái thai), vastarel - Pháp (gây run tay - Parkinson), actos - Đức (gây ung thư bàng quang)...
Tờ Le Monde, một tờ báo có uy tín tại Pháp đã đăng tải: “... Họ (Servier và tập đoàn dược của ông) đã biết rất rõ là một khi thuốc médiator vào cơ thể người bệnh, chất benfluorex sẽ chuyển hóa thành hai độc tố vốn cũng là hai loại dược phẩm là norenfluramin và dexfenfluramin đã được phát hiện từ lâu và đã bị cấm sử dụng từ 1990... Vậy mà ông ta vẫn “làm ngơ” vì lợi nhuận quá lớn thu được từ médiator...: Thật không sai, không oan ức khi người dân Pháp coi đây là “một sự lừa dối, một trò bịp bợm nặng nề” và hành động đó được coi như “một vụ giết người không cố ý”!
Hàng ngàn đơn khiếu kiện của các cá nhân và tập thể là nạn nhân của biệt dược này đã được gửi lên các cấp có thẩm quyền tại Pháp, đòi hỏi phải xử lý sự vô trách nhiệm của hãng, gây hậu quả khá nghiêm trọng... cho họ (khoảng 5.903 nạn nhân đã gửi đơn kiện đòi bồi thường).
Ngày 14/5/2012, BS. J. Servier - Chủ tịch hãng cùng một số đồng sự đã được Tòa trừng giới - cũng là Tòa hình sự tại thị trấn Nanterre - quận Haut de Seine - khu Bắc Thủ đô Paris nước Pháp chính thức triệu tập tới phiên tòa thứ nhất kéo dài từ 6 - 14/7/2012 để tiến hành những bước đầu tiên của quá trình tố tụng. Quá trình tố tụng đã và đang được tiếp tục tiến hành theo trình tự pháp lý của nước Pháp...
Có nhiều khó khăn, phức tạp - phải kéo khá dài tới hơn 3 năm kể từ lúc bị phát hiện - quá trình điều tra, do thời gian phát hành thuốc đã trên 30 năm, địa bàn sử dụng thuốc rộng lớn (140 nước), sự theo dõi kiểm tra đánh giá tác dụng thuốc không chặt chẽ... do phương thức tổ chức chỉ đạo, quản lý dược phẩm tuy đã được coi trọng nhưng còn nhiều sơ hở, khiếm khuyết của thời kỳ “tiền médiator”... Mặt khác, Tập đoàn Servier luôn tìm mọi cách chống chế để hòng làm giảm trách nhiệm hình sự của mình. Họ không từ thủ đoạn nào như mua chuộc các cấp lãnh đạo, các thầy thuốc, các nhà chuyên môn...
66% dân Pháp từ 18 tuổi trở lên trong một cuộc thăm dò, trưng cầu ý kiến của tổ chức xã hội mang tên IFP - qua phiếu, điện thoại và mạng vi tính - đã khẳng định có tiêu cực, bao che của một số nhà lãnh đạo cho Tập đoàn Servier; thậm chí Tập đoàn còn lén lút gửi những tấm séc mệnh giá lên tới 140.000 - 200.000euro cho nạn nhân và gia đình nạn nhân để họ rút đơn khiếu kiện, nhưng đều bị khước từ...
Vụ án này tuy chưa khép lại nhưng nó là hồi chuông báo động về những mánh khóe, thủ đoạn làm ăn, chỉ chạy theo lợi nhuận của không ít các hãng dược phẩm lớn trên thế giới.
Lương Vĩnh Khang (Tổng hợp)