Ba ba được biết đến không chỉ là món ăn bổ dưỡng trong ngày hè, mà còn có tác dụng chữa bệnh. Các món ăn được chế biến từ ba ba rất hấp dẫn đối với nhiều thực khách. Thịt ba ba có giá trị dinh dưỡng khá cao: cứ 100g thịt có 13,6g đạm; 4,3g mỡ; 4,1g đường; các Vitamin B1 0,06mg; B2 0,2mg; PP 3,3mg; E 1,75mg; P 14mg; canxi 133mg; selen 15,19microgam, Fe 2mg... Ngoài ra, còn chứa các chất khác như keo động vật, keratin (chất sừng), vitamin D...
Theo Đông y, ba ba tính bình, vị ngọt, có công năng tư âm, mát huyết, bổ khí nhuận phế, bổ can thận âm hư, trừ thấp nhiệt, háo, khát, âm dịch bất túc... Sau đây là một số món ăn thuốc có ba ba.
Ba ba hầm sơn dược, kỷ tử tốt cho người viêm khí quản mạn tính, thần kinh suy nhược, viêm gan mạn tính, xơ gan.
Bổ can thận (dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế trừ khát, chữa cổ khô, miệng ráo, hấp sốt, ù tai, váng đầu, hoa mắt, ho lâu ngày, ho ra máu): Ba ba 1 con 500g (làm như thường lệ), bối mẫu 5g, tiền hồ 5g, hạnh nhân 5g, phụ gia (gừng, hành, tỏi) như các bài trên. Hầm xong ăn nóng.
Viêm khí quản mạn tính, thần kinh suy nhược, viêm gan mạn tính, xơ gan: Ba ba 1 con, sơn dược, cẩu khởi tử mỗi thứ 30g. Cho ba ba vào nước sôi cho chết, bỏ ruột, đầu, rửa sạch, thái miếng cho cùng với sơn dược, cẩu khởi từ vào nồi nấu dừ. Uống nước canh, ăn thịt ba ba, 2 ngày 1 thang.
Ho lao, ho do âm hư, nhiệt thấp, ra mồ hôi trộm: Ba ba 1 con, xuyên bối mẫu 5g, canh gà 1.000ml, muối tinh, rượu gia vị, hoa tiêu, gừng tươi, hành mỗi thứ vừa phải. Cho ba ba vào nước sôi làm sạch, bỏ ruột (để lại mật dùng lúc khác) cho vào bát hấp, cho xuyên bối mẫu, muối tinh, rượu gia vị, hoa tiêu, gừng tươi, hành, canh gà, cho vào chưng cách thuỷ 1 tiếng là được. Ăn thịt ba ba, uống canh, mỗi ngày 1 lần.
Viêm thận mạn tính, phù thũng: Thịt ba ba 500g, tỏi 100g, đường trắng, rượu trắng mỗi thứ vừa phải. Cho tất cả vào nồi nấu chín ăn.2 ngày 1 thang.
Xơ gan cổ trướng: Ba ba 1 con (khoảng 500g), tỏi to 125g. Làm thịt ba ba, bỏ ruột, rửa sạch, cho vào nấu với tỏi bóc vỏ (không cho muối), nấu chín nhừ đem ăn.2 ngày 1 lần, 15 ngày là một liệu trình. Người nôn không ăn uống được cho thêm 10g gừng tươi, người bụng báng cho thêm 200g củ cải trắng.
Ra mồ hôi trộm, gan bàn tay bàn chân nóng: Thịt ba ba 250g, bách bộ, địa cốt bì, tri mẫu mỗi thứ 9g, sinh địa 24g. Cho các thứ thuốc trên vào túi vải nấu nước.Bỏ bã uống nước.Mỗi ngày 1 thang.
Bệnh sốt rét: Ba ba 1 con (khoảng 250g). Cho vào nồi nước sôi 2-5 phút, lấy mai ra, bỏ ruột, lại cho vào nồi, cho nước nấu chín.Ăn canh, ăn thịt ba ba, mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần.
Lòi dom: Ba ba 1 con, ruột già lợn 500g, muối tinh vừa đủ. Làm thịt ba ba, bỏ ruột, rửa sạch, nấu với ruột già lợn, cho muối tinh.Ăn thịt ba ba, uống nước canh. Lưu ý: Phụ nữ có thai và người tì vị dương suy không dùng.
Kiêng kỵ: Người tạng hư hàn, dễ đi ngoài lỏng, khó ngủ, sau thai sản, có bệnh viêm ở đường tiêu hóa (dạ dày ruột), thấp khớp không nên ăn ba ba. Nên phối hợp ba ba với thịt lợn, gà và một số vị thuốc thích hợp thanh bổ như khoai mài, kỷ tử, long nhãn...
BS. Phó Đức Thuần