Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy của WTO, mọi thứ hàng hóa đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Dược phẩm là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, do vậy sự cạnh tranh trên thị trường dược phẩm cũng luôn quyết liệt và được sự quan tâm của toàn xã hội.
Kỳ I: Chứng cứ khoa học trong cạnh tranh
Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy của WTO, mọi thứ hàng hóa đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Dược phẩm là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, do vậy sự cạnh tranh trên thị trường dược phẩm cũng luôn quyết liệt và được sự quan tâm của toàn xã hội.
Nước ta đã gia nhập WTO. Thuốc là hàng hóa đặc biệt, việc cạnh tranh cũng có những nét riêng. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề cạnh tranh dưới góc nhìn khoa học, tổ chức mạng lưới, quảng cáo tiếp thị.
Đa số người bệnh dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Muốn tiêu thụ thuốc phải có chứng cứ khoa học thuyết phục được bác sĩ (người ra y lệnh, kê đơn); dược sĩ (người cung ứng, tư vấn).
Đối với thuốc mới
Để đưa một thuốc mới ra thị trường, chi phí trên dưới 1 tỷ USD, thời gian trên dưới 10 năm. Chỉ những nước giàu, hãng lớn mới làm được. Nhằm thu hồi vốn, độc quyền thu lãi, các nước giàu, hãng lớn đòi hỏi thời gian “bảo hộ độc quyền” rất dài (theo Hiệp định TRIP s là 20 năm, nay còn có thể tăng lên 25 năm), nhằm đẩy các nước nghèo có nền công nghiệp dược nhỏ vào thế bị động, khó khăn. Cạnh tranh trong lĩnh vực thuốc mới là cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, giữa các bên không cân sức. Trong cuộc cạnh tranh này, các cơ sở sản xuất, phân phối dược phẩm trong nước phải đặt lợi ích quốc gia lên trên, có cách hành xử đúng.
Do điều kiện giao lưu quốc tế mở rộng, khi gia nhập WTO, đồng thời có một bộ phân dân cư thu nhập cao, nên khi có một thuốc mới xuất hiện tại thị trường Âu – Mỹ thì chỉ sau một thời gian ngắn (vài ba năm) đã có mặt tại nước ta bằng nhiều cách (nhập khẩu phi mậu dịch, nhập chuyến, cho lưu hành chính thức). Trong bối cảnh ấy, mục tiêu, phương pháp cạnh tranh phải khác, chứ không thể máy móc như trước.
+ Thu nhập của người dân, lương công chức, công nhân thấp, tỷ lệ thu BHYT thấp. Ta khuyến khích người dân dùng thuốc gốc, đề ra Danh mục thuốc thiết yếu, Danh mục thuốc dùng trong cơ sở khám chữa bệnh, Danh mục thuốc dùng trong BHYT nhằm đảm bảo được việc khám chữa bệnh cho số đông người phù hợp với khả năng tự chi trả, khả năng thanh toán BHYT. Nếu không làm như vậy thì khi thuốc mới nhập ào ạt vào nước ta, đa số người dân sẽ không có điều kiện chữa bệnh, ngành sản xuất dược phẩm (chủ yếu là bào chế từ thuốc gốc) sẽ không đứng vững.
+ Một số rất ít thuốc mới gặp sự cố, phải thu hồi sau thời gian dùng ngắn (như thuốc rofecoxib gây các tai biến về tim mạch, thuốc cervistatin gây tiêu cơ vân). Song đa số thuốc mới thường có hiệu quả cao hơn, ít độc hơn (như thuốc chữa đái tháo đường, nhóm glitazon thuộc thế hệ sau kiểm soát được đường huyết kéo dài, lại có tác dụng chống các tai biến không truyền thống, dùng tốt cho người đái tháo đường nặng, cao tuổi, kèm các bệnh tim mạch, tốt hơn các nhóm sulfamid, glinid, alpha glucidase thuộc các thế hệ trước). Một số thuốc mới còn có thể chữa được các bệnh khó, tạo nên các bước ngoặt, các khuynh hướng mới trong điều trị như herceptin, bevacizuma, humia, remicade, enbrel, rittuxan, eritus). Không thể đóng cửa để bảo hộ nền công nghiệp dược trong nước như trước mà phải cho nhập thuốc mới để thầy thuốc có điều kiện nâng cao chất lượng, tiếp cận các kỹ thuật trị liệu mới, để cho một số người dân có điều kiện thụ hưởng các thành tựu y học mới. Hơn nữa, nếu ta đóng cửa không nhập thuốc mới, một số người trong nước, ngoại kiều đang làm việc tại nước ta sẽ chạy ra nước ngoài khám chữa bệnh, làm mất nguồn thu y tế.
+ Khi một thứ thuốc mới có nhu cầu sử dụng cao, cần tính đến việc đấu tranh để được sản xuất nhượng quyền. Để thành công trong đấu tranh, ta không thể “đòi ăn cả, đòi ăn không của người khác” mà phải biết yêu cầu nước giàu, hãng lớn phải vì mục đích nhân đạo, từ bỏ sự độc quyền, đồng thời phải biết tính toán trang trải một phần nhất định các chi phí cho nước của hãng đang giữ sự “bảo hộ độc quyền”. Thành công của Ấn Độ và một số nước trong sản xuất nhượng quyền thuốc chữa HIV/AIDS là một bằng chứng về cách làm hay trong cạnh tranh.
Để có thể làm được việc cạnh tranh, cần hiểu đúng mặt thành công và hạn chế của thuốc mới, có cách tuyên truyền định hướng đúng đắn cho người tiêu dùng, có khuyến nghị đúng đắn cho việc hoạch định chính sách thuốc. Cần tránh thái độ cứng nhắc, chỉ thấy mặt lợi của việc dùng thuốc gốc (chữa được bệnh, rẻ tiền…) mà không thấy mặt tốt của thuốc mới (cho hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị)… Cũng cần tránh thái độ quá tôn sùng thuốc mới, không thấy mặt hạn chế (chưa được thử thách, chưa biết hết tác dụng, giá cao cộng đồng khó chấp nhận). Sự thái quá ở mặt nào cũng có hại. Xin nêu một ví dụ rất mới. Phát hiện HPV gây ung thư cổ tử cung là phát minh tuyệt vời được giải thưởng Nobel y học 2008. Ứng dụng chế tạo ra vaccin phòng ung thư cổ tử cung (biệt dược: gardasil và cervaris) là thành tựu kỹ thuật to lớn. Nhập cho dùng vaccin này là có lợi, cần khuyến khích. Nhưng quảng cáo quá mức làm cho nhiều người lầm dùng vaccin đề phòng được100% (thực ra chỉ phòng ung thư do týp HPV 16 – 18, sau khi dùng vẫn có nguy cơ bị ung thư do các týp HPV khác); có thể dùng cho mọi người kể cả lớn tuổi, đã có chồng (thực ra, mới nghiên cứu và cho phép dùng cho nữ 9 – 26 tuổi chưa có chồng). Điều này chỉ đem lại lợi ích cục bộ cho đơn vị phân phối, dịch vụ, không có lợi cho toàn cục (coi vaccin là cứu cánh, quên mất việc tầm soát định kỳ, chữa sớm là cách rẻ tiền, hữu ích; mở rộng dùng khi chưa nghiên cứu kỹ có thể dẫn tới hiệu quả không tương xứng với chi phí bỏ ra).
Đối với thuốc gốc
Thuốc gốc là các biệt dược sản xuất từ hoạt chất đã hết hạn “bảo hộ độc quyền”. Trước những năm 60, sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn quy ước, nghĩa là các biệt dược có cùng dạng bào chế, có cùng hoạt chất với hàm lượng bằng nhau thì được coi là có tác dụng như nhau. Từ những năm 70, khi sinh dược học ra đời thì sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn sinh học nghĩa là các biệt dược có cùng dạng bào chế, có cùng hoạt chất, hàm lượng như nhau chỉ có thể coi là có tương đương sinh học khi có sinh khả dụng như nhau (có sự hấp thu, phân bổ, chuyển hóa, thải trừ và do đó hiệu lực, độc tính như nhau).
Hiện nước ta vẫn đánh giá thuốc theo tiêu chuẩn quy ước (dựa vào hàm lượng hoạt chất) chứ không theo tiêu chuẩn sinh học (dựa vào sinh khả dụng). Do đó chưa có cơ sở thật vững chắc để định hướng, chỉ đạo tiêu dùng. Một số người bệnh, một số thầy thuốc chỉ tin dùng thuốc ngoại, sẵn sàng mua bằng bất cứ giá nào. Ngược lại, cũng có một số bác sĩ, dược sĩ trong đó có số ít cán bộ lãnh đạo lại máy móc đánh giá đồng đều các biệt dược, chỉ lấy giá rẻ làm thước đo trong lựa chọn. Thật ra có loại thuốc ngoại tốt hơn nhưng cũng có loại thuốc ngoại kém hơn; trong thuốc nội thì các thứ cũng không giống nhau. Rất tiếc ta chưa đánh giá được sinh khả dụng (việc không dễ làm), chưa có nhiều nghiên cứu so sánh hiệu quả lâm sàng (việc có thể làm), nên các thái độ thái quá trên cũng chỉ dựa vào cảm tính, không lợi cho việc cạnh tranh về chất lượng.
Trong thời kỳ bùng nổ nghiên cứu về thuốc mới, về cách dùng thuốc, chất lượng thuốc và chứng cứ khoa học chứng minh cho chất lượng đó là vấn đề then chốt, sống còn, là chỗ dựa, điểm xuất phát của các công đoạn cạnh tranh khác.
(Theo SKDS)