Một nhà vệ sinh trung tính ở nước ngoài - Ảnh Chụp màn hình trang west-info.eu
Trong đó, có những bình luận chiều trái chiều khá gay gắt. Dưới đây, Thanh Niên Online lược ghi một số ý kiến:
* “Không khó, chỉ là người ta không nghĩ đến mà thôi”
Ở những nước phát triển như Anh, Úc, Canada..., đều có những phòng vệ sinh trung tính. Bởi có những người muốn đi vệ sinh mà không biết đi đâu, do đi bên nam hay bên nữ họ đều bị soi mói, kỳ thị.
Xây phòng vệ sinh trung tính, theo tôi là việc làm đơn giản nhưng mang tính nhân văn. Nó không khó và không mấy tốn kém, chẳng qua là lâu nay không có ai để ý và nghĩ đến, hoặc không có đủ sự quan tâm mà thôi.
Các phòng vệ sinh này ra đời tại Việt Nam trước mắt sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của những
người chuyển giới (nhất là những người có bề ngoài chưa thể hiện rõ như giới tính họ mong muốn) mà còn đáp ứng nhu cầu thiết thực của những đối tượng khác.
Hãy tưởng tượng tình cảnh bối rối, khó xử của những ông bố đi cùng con gái nhỏ hay các bà mẹ dắt theo con trai chẳng hạn..., khi mà họ không biết phải vào đâu trong những nhà vệ sinh công cộng chỉ dành cho hai giới nam/nữ độc lập.
Chị An Nhiên (cựu du học sinh tại Anh, hiện làm việc trong ngành truyền thông tại TP.HCM)
* Quyền đương nhiên họ phải được hưởng
Lâu nay, người chuyển giới có nhu cầu về nhà vệ sinh cho mình nhưng xã hội không để ý. Bản thân tôi ủng hộ ý tưởng xây phòng vệ sinh trung tính cho người chuyển giới, vì tôi nghĩ đó là quyền cơ bản của con người.
Hơn nữa, luật pháp hiện giờ đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Do vậy, đấy là quyền đương nhiên họ phải được hưởng và xã hội cần phải đáp ứng cho họ.
Không riêng về vấn đề này, tôi cho rằng sau khi Bộ luật Dân sự sửa đổi đã công nhận quyền
chuyển đổi giới tính thì các “luật con” cần phải sửa đổi rất nhiều để đảm bảo các quyền chính đáng của người chuyển giới (như quyền thay đổi họ tên và cải chính hộ tịch, quyền nhân thân....).
Luật sư Trần Quang Thắng - Giám đốc Công ty Luật quốc tế và Cộng sự
Những người chuyển giới tại TP.HCM trong một sự kiện biểu diễn, giao lưu với bạn trẻ - Ảnh: Như Lịch
|
* Cứ đi tự nhiên thì ai để ý làm gì
Những trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn thì không cần bàn. Còn, số chưa phẫu thuật chuyển giới thì cứ căn cứ theo "cấu hình xuất xưởng của phần cứng" mà đi, nam thì qua chỗ nam, nữ thì qua chỗ nữ, cứ đi tự nhiên thì ai lại để ý làm gì, ai bảo làm chuyện người khác để ý làm gì.
Ngọc Thanh (Cần Thơ)
* Bình đẳng, tại sao lại là khác!
Bình đẳng với mọi người mà, thì sử dụng nhà vệ sinh như mọi người thôi! Tại sao lại là khác?
Bàn Bạc (TP.HCM)
* Bị dòm ngó, sao bình đẳng được?
Họ vào nhà vệ sinh mà bị dòm ngó như "người ngoài hành tinh", sao có bình đẳng được đây?
Phản Biện (TP.HCM)
* Một ý tưởng điên rồ!
Một ý tưởng điên rồ! Không cấm đoán công nhận nhưng không khuyến khích là điều nên làm. Nghĩ gì khi trung tính được vào, sẽ có cảnh tượng tệ nạn về tình dục ở đó nếu cho cả nam và nữ vào đó (dù họ có nghĩ mình là giới tính gì thì vẫn mang thân xác trời ban)?
Hùng (TP.HCM)
* Ủng hộ, nhưng cân nhắc yếu tố ưu tiên
Tôi ủng hộ ý tưởng này dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người. Luật phải đảm bảo các quyền cơ bản của người chuyển giới, không chỉ thể hiện qua các văn bản mà cần phải thực thi các quyền đó trong thực tiễn.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy người chuyển giới vẫn còn gặp những rào cản trong xã hội. Đó là do tâm lý, quan niệm, văn hóa của người dân Việt Nam cùng nhiều yếu tố khác nữa.
Bên cạnh đó, nguồn lực kinh tế của nước ta còn hạn hẹp... Hiện nay, rất nhiều học sinh còn phải thường xuyên chịu cảnh “nín nhịn”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe bởi các em không có nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh dơ bẩn.
Chính vì vậy, cần cân nhắc yếu tố ưu tiên, cái nào thực hiện trước, cái nào cũng sẽ thực hiện nhưng tiến hành từng bước một. Song song đó, cũng cần nâng cao nhận thức trong xã hội để các quyền con người được thực hiện một cách bình đẳng.
Ông Trần Công Bình - Cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại TP.HCM
* Cân nhắc, thận trọng từng bước khi thực hiện
Tôi ủng hộ ý tưởng xây nhà vệ sinh trung tính cho người chuyển giới.
Tuy nhiên, theo tôi, nhà vệ sinh là một vấn đề nhạy cảm và người chuyển giới cũng là một đối tượng rất nhạy cảm. Vì vậy, cần phải cân nhắc, thận trọng từng bước khi thực hiện.
Chúng ta muốn tạo điều kiện tốt hơn cho họ nhưng có khi lại vô tình làm tăng lên sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với họ, điều đó là không nên. Làm sao cho họ có cảm giác thoải mái hơn, được tôn trọng hơn khi bước vào nhà vệ sinh đó thì mới nên thực hiện.
Anh Thanh Văn - Biên tập viên một hãng phim tư nhân
* Người ta dễ cho là “được voi đòi tiên”
Chúng tôi thấy rằng, do kinh tế của đất nước không khả quan lắm nên việc này vẫn chưa thật sự cần thiết. Để chi phí làm chuyện khác sẽ hay hơn.
Nếu có xây nhà vệ sinh cho cộng đồng LGBT (
người đồng tính, song tính và chuyển giới), theo tôi nghĩ sẽ có nhiều ý kiến trái chiều từ xã hội. Bởi vì thái độ của xã hội đối với LGBT đang ở trạng thái chấp nhận, thông cảm nhưng chưa phải bình đẳng thật sự. Nên, khi có đề xuất đó thì mọi người sẽ lên tiếng rằng đòi hỏi nhiều, "được voi đòi tiên", hoang phí.
Nếu với thái độ suy nghĩ tích cực thì nhà vệ sinh cho LGBT giống như một món quà, một sự quan tâm của xã hội đối với cộng đồng này. Còn với thái độ tiêu cực thì đó là một sự tách biệt, nặng hơn là kỳ thị, vì LGBT phải tách riêng không hòa nhập cùng sống với xã hội.
Từ những ý trên thì Linh và Phương đều cảm thấy chưa thật sự cần thiết xây nhà vệ sinh cho người chuyển giới.
Cặp đôi đồng tính nữ Tăng Ái Linh - Phạm Thị Thanh Phương
* Cần gấp rút hình thành luật và thay đổi nhận thức xã hội
Tôi ủng hộ nhưng tôi cho rằng Việt Nam hiện còn rất nhiều chuyện khác để lo. Vì vậy, cần cân nhắc và ưu tiên cho những nhóm người yếu thế hơn (như những người khuyết tật, chẳng hạn).
Theo tôi, điều cần làm trước hết là phải xây dựng luật với những quy định rõ ràng và cụ thể về quyền của người chuyển giới. Từ nền tảng pháp lý, cần phải thay đổi nhận thức xã hội về người chuyển giới để mọi người chấp nhận, tôn trọng và bình đẳng với họ. Sau đó, mới tính đến việc đáp ứng những nhu cầu của họ trên thực tế và việc thực thi này nên làm từng bước, đảm bảo tính bền vững.
Nói một cách khác, việc xây dựng nhà vệ sinh riêng cho người chuyển giới không quan trọng bằng việc họ bị nhìn, bị soi khi đi vào những nhà vệ sinh công cộng. Cho nên, phải gấp rút hình thành luật bảo vệ họ đồng thời cần thay đổi nhận thức xã hội trước đã.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Trưởng bộ môn Công tác xã hội, Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM
Như Lịch
(ghi và tổng hợp)