Cán bộ y tế xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thực hành nhắn tin.
Hiện nay ở hầu hết các địa phương việc thông báo tình hình bệnh tật hoặc dịch chủ yếu được thực hiện theo cách tổng hợp số liệu, sau đó báo cáo định kỳ từ tuyến dưới lên tuyến trên theo đường công văn truyền thống hoặc thư điện tử (e-mail). Thông tin từ nơi báo cáo đến nơi tiếp nhận báo cáo, đặc biệt là nơi chịu trách nhiệm đưa ra các hướng dẫn can thiệp nhiều khi phải qua một chặng đường dài, do đó làm mất đi tính “kịp thời” của can thiệp. Điều này làm cho hiệu quả các chương trình can thiệp ít nhiều bị ảnh hưởng nhất là trong trường hợp xuất hiện các bệnh dịch nguy hiểm. Dịch bệnh chỉ có thể được khống chế nhanh và hiệu quả nếu được can thiệp ngay từ khi mới phát hiện. Bên cạnh đó, với từng trường hợp bệnh cụ thể, xét trên tất cả các khía cạnh về chuyên môn, kinh tế - xã hội, nếu người bệnh được điều trị ở gần nhà sẽ tốt hơn điều trị tại các cơ sở y tế ở thành phố lớn xa nơi ở. Được điều trị tại cơ sở y tế tuyến dưới gần gia đình, người thân, người bệnh sẽ thường xuyên được động viên về mặt tinh thần giúp quá trình hồi phục nhanh hơn là khi người bệnh phải chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên. Đó là chưa kể tốn phí đi lại, ăn ở, chăm sóc của thân nhân trong suốt quá trình điều trị xa gia đình.
Mong muốn hiện nay của ngành y tế là dù người bệnh được chăm sóc, điều trị ở tuyến y tế nào cũng phải được hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật y học một cách cao nhất có thể.
Xuất phát từ ý tưởng đó, vừa qua, Trung tâm y khoa Dartmouth - Hitchcock, Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành thí điểm chương trình “Cảnh báo dịch và tham vấn y khoa từ xa qua tin nhắn” tại hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Cán bộ y tế tuyến xã ở các địa phương triển khai thí điểm được huấn luyện nhanh về cách nhắn tin theo một cú pháp đã được mặc định, bao gồm mã số xã, tuổi, giới (của bệnh nhân) và chẩn đoán ban đầu. Tin nhắn sau đó được gửi đến số máy tổng đài của chương trình. Cán bộ khám, chẩn đoán ca bệnh đầu tiên sẽ chịu trách nhiệm soạn và gửi tin nhắn trả lời. Bằng cách đó, số liệu sẽ được liên tục cập nhật về các trung tâm xử lý (dự kiến đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện tỉnh). Tại trung tâm xử lý, thông qua việc phân tích dữ liệu, các nhà chuyên môn sẽ xác định được tỷ lệ lưu hành bệnh tật tại địa phương và theo đó dự báo liệu có khả năng xảy ra bùng phát dịch hay không tại bất cứ thời điểm nào. Nếu có dấu hiệu chỉ điểm khả năng bùng phát dịch, các biện pháp can thiệp sẽ được nhanh chóng triển khai. Trong thời gian tới, cú pháp tin nhắn sẽ được điều chỉnh bao gồm cả tình trạng nặng của bệnh. Như vậy, cán bộ y tế tuyến dưới sẽ lập tức nhận được các tham vấn phản hồi về cách xử trí người bệnh, có thể giữ ở lại hay chuyển lên tuyến trên và nếu phải chuyển viện thì chuyển như thế nào cho an toàn.
Đã có 3 xã thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa và 3 xã của huyện Kim Bôi, Hòa Bình cùng với Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tham gia triển khai thí điểm. Hy vọng với ý tưởng mới, bằng công nghệ đơn giản nhưng sẽ mang lại sự thay đổi trong công tác cảnh báo dịch và cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Bài và ảnh: Lê Kiến