Information & Events

Tránh nguy biến do té ngã ở người cao tuổi

Date 12/15/2015 11:01

nhathuooctot.com

SKĐS - Do các cơ quan lão hóa, tổn thương của các giác quan như: tai nghe kém, mắt mờ, rối loạn về thăng bằng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, các bệnh cơ khớp...

Do các cơ quan lão hóa, tổn thương của các giác quan như: tai nghe kém, mắt mờ, rối loạn về thăng bằng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, các bệnh cơ khớp... đồng thời, do tuổi cao mắc các bệnh phải uống thuốc, dễ bị tác dụng phụ của thuốc gây chóng mặt, tụt huyết áp, buồn ngủ... làm người cao tuổi dễ bị ngã. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người cao tuổi trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng.

Rất dễ bị gãy xương

Té ngã thường xảy ra bất ngờ một cách không tự chủ và không thể kiểm soát. Trên thực tế, 90% trường hợp gãy xương ở người cao tuổi đều liên quan tới té ngã, nhất là người cao tuổi bị loãng xương. Người cao tuổi bị loãng xương, xương rất giòn và dễ gãy, vì vậy chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến gãy xương. Gãy xương ở người cao tuổi thường gặp là gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, xẹp đốt sống. Đây là những vị trí thường bị tác động do té ngã, do tác động lực nhiều nhất, như té ngồi, té đập mông, té chống bàn tay. Điều đó dẫn đến người cao tuổi đối mặt với giảm khả năng vận động, thời gian điều trị gãy xương ở người cao tuổi kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng như: teo cơ, cứng khớp, loét vùng tì đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu. Một số trường hợp ngã dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong. Khi người cao tuổi bị ngã gãy xương thì quá trình hồi phục rất lâu, mang lại nhiều hậu quả cho bản thân, người nhà phải chăm sóc và còn phải gánh chịu chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém.

An toàn của người cao tuổi trong sinh hoạt

Để phòng té ngã, trước hết người cao tuổi cần chú ý tới môi trường sinh sống, chủ yếu là nhà ở. Vì phần lớn tai nạn xảy ra cho người cao tuổi là ở nhà như: trượt té vì sàn nhà ướt, vấp phải dây điện trên lối đi, ngã trong bồn tắm, ngã cầu thang, uống nhầm thuốc, ngã khi vừa ngủ dậy bước khỏi giường thấy chóng mặt... Do vậy, đồ đạc cần sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Lau khô ngay khi sàn nhà nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì, chờ sàn nhà khô mới đi qua. Không để các đồ vật trên sàn nhà và cầu thang cản trở lối đi.  Cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới. Không có vật cản trở ở lối đi, hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm. Để xà phòng và đồ dùng trong nhà tắm ở nơi dễ với tay lấy. Phòng ngủ, bếp, phòng tắm cần  có đầy đủ ánh sáng. Nút mở - tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng. Các loại đồ đạc cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.

Điều lưu ý, người cao tuổi cần đi giầy dép có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt. Không hấp tấp, vội vàng khi đi nhất là nghe tiếng chuông điện thoại hay tiếng gọi cửa. Đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.

Khi ngủ nên thắp đèn đủ sáng để tránh giẫm phải những vật cản trở dưới chân khó nhìn thấy. Trang bị đầy đủ đèn trong phòng ngủ, hành lang, cầu thang và nhà vệ sinh. Các vật thường dùng trong nhà không nên cất nơi quá cao hoặc quá thấp, bởi khi nhón chân cao hoặc cúi xuống lấy sẽ dễ gây té. Tránh mang giày rộng.

Đối với một số người cao tuổi yếu, vừa ốm dậy, hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh mạn tính có tác dụng phụ gây chóng mặt cần sử dụng gậy chống, chiều dài của gậy phải vừa tầm. Đối với người cao tuổi bị đau nhức chân hoặc sau tai biến khi bước đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên bậc thềm, cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang.

Tập luyện để phòng tránh ngã cho người cao tuổi

Mục đích tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi. Các bài tập phù hợp với người cao tuổi là  thái cực quyền đây là bài tập rất có hiệu quả để phòng tránh ngã cho người cao tuổi, bài tập này phù hợp với sức khỏe người cao tuổi. Tập thăng bằng, tập đi bộ, yoga, tập sức mạnh cơ bắp...

Giữ cho cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để tránh té ngã, cố gắng duy trì sức khỏe theo các chỉ dẫn sau đây: Khám mắt hằng năm, cườm và các bệnh khác của mắt có thể là nguyên nhân gây nhìn mờ dễ dẫn đến té ngã. Chăm sóc bàn chân mỗi ngày, bàn chân có khỏe mạnh thì bước chân mới vững vàng. Nếu đi không vững nên dùng gậy chống. Khi muốn bước ra khỏi giường mỗi sáng sớm hoặc thức đêm đi tiểu, nên ngồi cạnh giường vài phút trước khi đứng dậy để cơ thể có đủ thời gian điều chỉnh huyết áp. Nếu đứng dậy thình lình có thể gây chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến té ngã.

Khi bị chấn thương, dù nhẹ cũng nên kiểm tra bằng chụp X-quang và đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa xác định rõ bệnh. Không tự ý uống thuốc, bó thuốc, sửa trật khớp. Nếu có gãy xương thì nên tuân thủ chế độ điều trị và hướng dẫn, giải thích, tư vấn của bác sĩ. Được như vậy việc chăm sóc, đề phòng gãy xương ở người cao tuổi sẽ thực hiện tốt hơn.

Chế độ ăn có hàm lượng canxi cao

Người cao tuổi cần điều trị tích cực bệnh mạn tính khớp xương, thần kinh, tim mạch, nội tiết... Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ khoáng chất (quan trọng nhất là canxi) và vitamin (quan trọng nhất là vitamin D) cần thiết cho sự phát triển của xương để đảm bảo xương phát triển tốt nhất cho mọi lứa tuổi. Ngoài sữa và các chế phẩm từ sữa, trong khẩu phần ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng canxi hữu cơ cao như: Các loại cá, đặc biệt các loại cá nhỏ khi kho nhừ có thể ăn cả xương rất giàu canxi. Các loại hải, thủy sản: tôm, cua, cá, ốc... đặc biệt là cua đồng giã nấu canh. Các loại rau quả có màu sắc đậm: rau cải xanh, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, bông cải xanh, rau bó xôi, các loại rau mầm, ớt ngọt, cam tươi, đu đủ... Tắm nắng hoặc đi dạo ngoài nắng sớm với thời gian thích hợp 10-15 phút mỗi ngày vào đầu giờ sáng, để ánh nắng chiếu trực tiếp trên bề mặt da biến thành vitamin D cần thiết cho cơ thể. Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia...

Bác sĩ Hữu Tài