Information & Events

Phẫu thuật khối u tế bào khổng lồ phá hủy đốt sống

Date 01/29/2016 16:03

nhathuoctot.com

Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp có khối u khổng lồ xâm lấn dây thần kinh và phá hủy một đốt sống.

Bệnh nhân là Lê Anh Tú (17 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) vừa được các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình (BV E) phẫu thuật thành công khối u tế bào khổng lồ, phá hủy hết một đốt sống cùng, xâm lấn dây thần kinh cột sống, xâm lấn tiểu khung... khiến bệnh nhân không đi lại được.

Ca bệnh hiếm gặp

Theo đánh giá của chuyên gia y tế, đây là ca bệnh hiếm gặp và khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị. Điều đặc biệt của ca bệnh này là để lấy hết u và cố định vững cột sống cho bệnh nhân ở vị trí không có điểm cố định bắt vít nên các bác sĩ đã phải tiến hành 2 đường mổ để lấy u và ghép xương cho bệnh nhân.

PGS.TS. Hà Kim Trung, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình - BV E cho biết, đây là ca bệnh hiếm gặp và rất khó trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Thực tế, u tế bào khổng lồ được biết đến là một dạng u xương lành tính (chỉ 2-5% ác tính), thường gặp ở xương chi (đầu xương dài) ở người trẻ 25 - 40 tuổi, khi xương đã trưởng thành và sụn tiếp hợp ở vùng đầu xương đã cốt hóa. U xương tế bào khổng lồ chiếm 5-10% các khối u xương nguyên phát và chiếm khoảng 20% các u xương lành tính. U thường phát triển ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu dưới xương quay, đầu trên xương cánh tay... U tế bào khổng lồ ít gặp ở cột sống và đặc biệt, ở vùng xương cùng (S1) như bệnh nhân Tú càng ít gặp nhưng khó phẫu thuật và rất nguy hiểm. Ở giai đoạn đầu u nhỏ, bệnh nhân có thể không có triệu chứng nhưng khi u phá hủy vỏ xương và kích thích màng xương bệnh nhân đau tăng dần. Khối u càng to gây chèn ép, xâm lấn, phá hủy các tổ chức lân cận như xương chậu. U làm cột sống mất vững và rất khó phẫu thuật làm vững.

Sau khi hội chẩn với các chuyên gia về phẫu thuật bụng, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình - BV E quyết định chọn phương pháp điều trị tốt nhất với u tế bào khổng lồ của bệnh nhân Tú là phẫu thuật lấy hết u và cố định vững cột sống cho bệnh nhân ở vị trí không có điểm cố định bắt vít, các bác sĩ đã phải tiến hành 2 đường mổ để lấy u và ghép xương cho bệnh nhân. Các chuyên gia y tế đánh giá, phẫu thuật nạo u - lấy không hết nguy cơ tái phát là 40%, và khi tái phát dễ có nguy cơ ác tính. Vì vậy, để giúp bệnh nhân có thể đi lại được và tránh nguy cơ tái phát, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật đường bụng để tiếp cận mặt trước cột sống của bệnh nhân, nhằm lấy u, cắt bỏ đốt S1 và sau đó ghép xương để hàn cứng đốt sống... Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã ghép xương tự thân, nẹp vít cột sống từ trên cao xuống vùng xương cùng để cố định vững cột sống. Sau mổ 1 tuần, kết quả chụp cho thấy mảnh ghép ổn định, bệnh nhân hết đau, đứng và đi lại gần như bình thường.

Đã từng hội chẩn với chuyên gia nước ngoài, nhưng vẫn “nhờ” thầy thuốc Việt Nam phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật thành công 10 ngày, bệnh nhân Lê Anh Tú đang tập đi, tập đứng trở lại. Bệnh nhân Tú cho biết, cách đây khoảng 5 tháng, em thỉnh thoảng bị đau lưng dữ dội, đi khám bệnh viện huyện được bác sĩ kết luận đau do thần kinh uống thuốc đỡ, hết thuốc lại đau. Nhưng đến tháng 8/2015, cơn đau càng trở nên dữ dội hơn, 2 chân tê nhức, mất vững cột sống và không đi lại được. Đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán em bị u tế bào khổng lồ cột sống cùng và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, do ca phẫu thuật không thể lấy hết u mà mới chỉ phẫu thuật giải ép và làm vững cột sống tạm thời, nên sau gần 1 tháng, cơn đau lại tái phát dữ dội hơn khi chưa mổ, khiến em bị liệt hoàn toàn và hầu như không di chuyển được. Tiến hành xạ trị 1 tháng, Tú thấy đỡ đau nhưng khối u chưa được xử lý triệt để đã phát triển nhanh, phá hủy hết 1 đốt sống cùng và có nguy cơ phát triển và gây tổn thương thần kinh vùng sinh dục và rối loạn tiểu tiện... khiến bệnh nhân không đi lại được.

Gia đình Tú đã đưa em đi khám và điều trị tại một số bệnh viện ở trong và ngoài nước, thậm chí đã hội chẩn với chuyên gia nước ngoài (như Singapore, Nhật Bản...) nhưng họ đều từ chối mổ vì việc lấy u bỏ mất đốt sống dễ gây các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

PGS.TS. Trung chia sẻ, trước đây, ông đã từng gặp, chẩn đoán và điều trị thành công cho vài ca mổ khó tương tự như thế này. Tuy nhiên, kết quả thành công ngay từ lần can thiệp đầu tiên của ca bệnh này, đó là nhờ có một phòng mổ đạt chuẩn và máy chụp Xquang chuyên dụng trong khi mổ và các phẫu thuật viên có kinh nghiệm, tay nghề cao... đã giúp các chuyên gia có thể can thiệp và đặt vật liệu thay thế chính xác.