Mất thính lực là một trong nhữngrối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi. Ước tính mỗi năm nước ta có thêm 1,2 triệu trẻ sinh ra tương đương sẽ có 50.000 trẻ bị điếc mới. Trong khi đó, việc phát hiện mất thính lực ở trẻ thường rất muộn, đa phần sau 2 tuổi nên việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn.
Thế nào là mất thính lực?
Mất thính lực (giảm khả năng nghe hoặc điếc) là một trong những rối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi như thiếu máu hồng cầu liềm, thiếu men G6PD, phenylketonuria hay suy giáp trạng bẩm sinh... Những trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2 - 3 tuổi) có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn, không thể sửa chữa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, những trẻ này hoàn toàn có khả năng hồi phục.
Thực hiện sàng lọc thính lực sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: CN
|
Làm gì để phát hiện sớm?
Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã áp dụng chương trình sàng lọc đối với tất cả các bé mới sinh, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong trường hợp bé có bất thường. Chương trình được thực hiện với 2 phương pháp: đo lường âm thanh thoát ra từ ốc tai và đáp ứng âm của cuống não. Cả 2 phương pháp đều có độ chính xác cao, không gây đau đớn và bất kỳ nguy cơ nào cho trẻ sơ sinh. Thời điểm tốt nhất để thử nghiệm sàng lọc ít nhất phải sau 24 tiếng sau sinh, chờ tai trẻ khô hẳn và trước khi trẻ ra viện. Nếu trẻ vượt qua được thử nghiệm ngay lần đầu, có nghĩa là khả năng thính lực của trẻ là bình thường. Nếu không vượt qua, thử nghiệm sẽ được làm lại sau một tháng và có thể sẽ được khuyến cáo chuyển tới bác sĩ chuyên khoa thính lực làm các thăm dò sâu hơn.
Trẻ nào có nguy cơ mất thính lực?
Trên thực tế, chỉ có khoảng một nửa các trường hợp mất thính lực có thể xác định được nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do mắc phải trong quá trình mang thai, sinh đẻ và yếu tố di truyền. Theo đó, một số trẻ có nguy cơ mất thính lực cao hơn những trẻ khác khi trẻ đẻ non hoặc sinh nhẹ cân, có các dấu hiệu suy hô hấp sau đẻ, phải thông khí hỗ trợ kéo dài; trẻ bị vàng da, viêm màng não; chỉ số Apgar sau đẻ thấp; trẻ bị bất thường cấu trúc ở đầu, mặt, cấu trúc bất thường của tai ngoài và tai giữa...; khi những bà mẹ mắc một số bệnh lý trong lúc mang thai: giang mai, rubella, herpes... hoặc các bà mẹ tiếp xúc hay sử dụng các thuốc kháng sinh, hoá chất độc hại; tiền sử gia đình có người mất thính lực.
Tuy nhiên, ngay cả những trẻ không có các yếu tố nguy cơ này, vẫn có khả năng mất thính lực, vì cần thực hiện sàng lọc mất thính lực cho mọi trẻ sơ sinh trước khi ra viện về nhà.
Bác sĩ BÙI THỊ PHƯƠNG