Thi đỗ vào Trường đại học Y hoặc Dược là một niềm tự hào, chẳng gì cũng đã có câu “nhất Y nhì Dược”. Chúi mũi vào học, cắm cúi đọc sách, hì hụi nghiên cứu, cuối cùng cũng đến ngày được ra trường. Hăm hở bước vào đời với hành trang là những kiến thức về y - dược sẽ được đem ra sử dụng. Niềm tự hào còn hơn thế, nó được nhân lên khi chính thức được mặc trên người chiếc áo blouse để hành nghề. Bước vào nghề mới thấy nó không dễ dàng như ta tưởng.
Thôi thì không làm dược lâm sàng tại các bệnh viện, cũng chẳng có cơ duyên làm tại các công ty dược phẩm hoặc làm trình dược viên... thì ta mở quầy thuốc. Chẳng phải đây cũng là cầu nối giữa bệnh nhân và thầy thuốc hay sao? Ở nơi này mình cũng sẽ giúp được bệnh nhân bằng cách tư vấn và hướng dẫn họ dùng thuốc một cách đúng, giảm thiểu những nguy hại do dùng thuốc không đúng gây ra. Nhưng, hỡi ôi...
- Bán tôi viên panadol trị đau đầu.
- Bán tôi một liều thuốc chữa ho, phế quản (mà chỉ một liều là phải khỏi đó nha).
...
Hỏi đơn thuốc đâu? Khách hàng nhìn mình như người ở hành tinh khác. Giải thích việc dùng thuốc, liền nhận được cái nhìn như mình bị dở hơi, rồi quay mặt đi:
- Không bán thì thôi, tôi qua quầy khác...
Chưa hết, bệnh nhân bị zona, nhưng cứ đòi uống thuốc 3 ngày là phải khỏi, rồi bỏ thuốc không uống nữa. Họ đâu biết rằng điều trị zona không dứt điểm, thì cái đau hậu zona mới là khủng khiếp. Nhiều bà mẹ thấy con nổi mẩn do trời hè oi bức, cũng nghe mách rồi ra hiệu thuốc hỏi mua lọ cortibion về bôi. Nếu mình có giải thích là không nên dùng thuốc như vậy mà nên tắm sạch sẽ cho bé bằng sữa tắm thích hợp, giữ gìn vệ sinh, tránh mồ hôi... thì nhận được cái nhìn khó chịu rồi bỏ qua hiệu thuốc khác mua cho bằng được lọ cortibion về bôi cho con... Thuốc kháng sinh theo quy chế là phải bán theo đơn, nhưng khách hàng thì hiếm khi mang theo đơn thuốc lắm. Trời ạ, họ mua thuốc mà cứ như nghĩ mua kẹo về xài. Thậm chí có những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, nghe đồn đoán ở đâu các bài thuốc dân gian gia truyền, liền bỏ uống thuốc hàng ngày mà đi mua thuốc đó về uống với hy vọng chữa được “tiệt căn” bệnh hiểm. Cứ thế uống thuốc tùm lum cho tới khi đường huyết, huyết áp tăng vọt, đột quỵ... rồi nhập viện lại kêu tại bác sĩ chữa không giỏi. Nhiều bệnh nhân thế lắm, thầy thuốc nói không nghe, toàn nghe “người ta đồn”.
Vậy tôi phải biết làm sao đây?
Lúc xưa nghĩ học dược ra mở quầy là nhàn thân, là khỏe... Nhưng làm rồi mới biết. Cũng dậy từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm mới đóng cửa. Muốn bán thuốc và tư vấn cho khách hàng và yêu cầu họ phải có đơn thuốc thì sao đây? Họ sẽ quay đi và sang quầy thuốc khác mua được liền. Vậy có ai đủ can đảm chỉ bán thuốc khi có đơn? Không bán, tiền đâu trả tiền nhà? Tiền điện nước, nhân viên, tiền vốn... và còn nhiều thứ tiền khác vây quanh. Không bán thuốc khi không có đơn, vậy chỉ còn cách đóng quầy thuốc và chuyển qua nghề khác.
Đôi lúc cũng ân hận tự dằn vặt rằng sao trước đây mình không theo ngành khác? Vừa học ít thời gian hơn mà làm nghề cũng bớt cực khổ, ít ra còn có ngày nghỉ, còn có thể sắp xếp được chút thời gian để vui chơi.
Nhưng đã lỡ rồi, nó là cái nghiệp rồi thì phải theo, phải cố. Nói vậy nghe chua chát nhưng không phải là mình không yêu cái nghề này, bởi ngành nào nghề nào cũng vẫn còn đó những bất cập và bên cạnh đó vẫn còn những niềm vui. Vẫn còn có những bệnh nhân biết quý trọng bản thân mà nghe theo và trân trọng thầy thuốc. Và mỗi khi gặp được bệnh nhân như vậy lại cảm thấy vui. Dẫu rằng, một thực tế là ngành y - dược hiện giờ đã chẳng còn được hot như xưa. Nhưng đôi khi ta phải chấp nhận.
Gửi các bạn học sinh với niềm đam mê y khoa: học y - dược không hẳn nhằm mục đích kiếm tiền, không vì sự giàu sang mà chỉ là vì ta mong muốn chữa bệnh cho người dân, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho họ, góp thêm kiến thức cho vốn sống của chính bản thân ta và trước hết là ta có thể tự chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình.
Mong một ngày y - dược sẽ có lại những ánh hào quang.
DS. Tô Kính Thiên