Information & Events

Ngộ độc nặng do ăn bọ xít

Date 01/29/2016 13:56

nhathuoctot.com

Anh Hà Huy T. ở xóm Men, Yên Hòa, Đà Bắc, Hòa Bình cùng nhóm bạn đã bắt được một số lượng lớn bọ xít và mang về đem rang, làm thực phẩm như một món ăn khoái khẩu.

Anh Hà Huy T. ở xóm Men, Yên Hòa, Đà Bắc, Hòa Bình cùng nhóm bạn đã bắt được một số lượng lớn bọ xít và mang về đem rang, làm thực phẩm như một món ăn khoái khẩu. Hệ quả là anh T. và bạn đã bị ngộ độc do các chất kịch độc có trong bọ xít.

Theo lời kể của chị Hà Thị L., vợ anh Hà Huy T.: Khoảng 11h ngày 17/1/2016, anh T. có nhậu bọ xít rang cùng 7 người bạn. Đến khoảng 18h cùng ngày anh thấy nóng rát bụng, buồn nôn và nôn 2 lần, đi ngoài phân sệt, kèm theo đau cơ nhiều. Anh T. được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và được chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu, đã được xử trí thở ôxy, an thần, bài niệu tích cực, giảm tiết sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 18h ngày 18/1/2016.

Chị L. cho biết ở quê chị, hàng ngày mọi người vẫn bắt bọ xít nhãn, bọ xít lúa để ăn và không thấy có vấn đề gì. Bọ xít anh T. ăn hôm đó là bọ xít bắt ở cây rừng, một ổ có khoảng 3kg, có màu nâu, vằn đỏ. Trong tổng số 8 người ăn hôm đó thì có 4 người bị ngộ độc, anh T. bị nặng nhất nên được chuyển đến Trung tâm Chống độc điều trị. 3 người khác bị ngộ độc nhẹ hơn nên đang được điều trị ở tuyến cơ sở.

ThS.BS. Lê Quang Thuận - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận. Khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân tỉnh, có nốt xuất huyết vùng ngực, khó thở, nước tiểu đỏ, nhịp tim nhanh. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị tích cực, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, đặt ống nội khí quản...

Theo ThS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các biểu hiện ngộ độc ở bệnh nhân T. rất giống với ngộ độc độc tố của sâu ban miêu. Ngộ độc sâu ban miêu là ngộ độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu,... Trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, điều trị thực tế rất thay đổi và tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở. Tuy nhiên theo ghi nhận từ báo chí gần đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Tại Trung tâm Chống độc, trong vòng hai năm gần đây, chúng tôi ghi nhận được 4 trường hợp ngộ độc sâu ban miêu mức độ rất nặng. Hai trong số đó tử vong, một được cứu sống nhưng kèm theo nhiều biến chứng như suy thận, viêm phổi, viêm gan với chi phí điều trị rất nặng nề. Duy nhất một trường hợp được cứu sống mà không có di chứng gì.

Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Thực chất là nhiều thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20mm, ngang 4-6mm. Có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.

Bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc. Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Nếu bạn ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với số mệnh của bạn gặp nhiều rủi ro. Để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không được sử dụng bọ xít và sâu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào. 

Mai Thanh