Information & Events

Món ăn - bài thuốc từ thịt và trứng vịt

Date 02/18/2016 14:39

nhathuoctot.com

Các món ăn từ vịt ngon miệng và bổ dưỡng được người Việt biết đến từ lâu như lẩu vịt măng chua, vịt om sấu, vịt quay, vịt nướng… nhưng tác dụng chữa bệnh của nó thì ít người biết. Ngoài thịt thì trứng, gan, tiết, mật vịt đều có thể làm thuốc.

Theo Đông y, thịt vịt vị ngọt, mặn, tính bình; vào tỳ, vị, phế, thận. Có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Dùng cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, đái tháo đường, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, da tóc khô, miệng họng khô, khát nước (âm hư nội nhiệt). Liều dùng: 500 - 1.000g (1 con vịt). Trứng vịt có vị ngọt tính lương; vào phế, đại tràng. Có tác dụng tư âm thanh phế. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản gây ho và đau họng (đặc biệt là ho khan ít đờm), đau răng, tiêu chảy.

Các món ăn bài thuốc từ thịt và trứng vịt

Vịt hầm nhân sâm, bạch quả, liên nhục, đại táo: vịt 1 con, đại táo, liên nhục, bạch quả, cả 3 vị thuốc đều lấy 49 quả, nhân sâm 3g. Vịt làm sạch, đại táo tách bỏ hạt, liên nhục ngâm bóc bỏ vỏ và tâm sen, bạch quả bỏ vỏ và ruột, nhân sâm thái lát nhỏ vụn. Dùng rượu, tương và dầu quét đều ngoài da và trong bụng vịt, sau đó cho cả 4 vị thuốc vào bụng vịt, khâu lại, hầm chín. Khi ăn, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho trường hợp thiếu máu, suy nhược, nuôi dưỡng kém.

Vịt hầm đậu đỏ: vịt 1 con, đậu đỏ nhỏ hạt 200g, thảo quả 10g, hành sống liều lượng thích hợp. Vịt làm sạch, đậu đỏ xay ngâm mềm đãi sạch, thảo quả tán nhỏ; cả 2 dược liệu cùng cho vào bụng vịt khâu lại, thêm nước, đun to lửa cho sôi chuyển đun nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm hành, tiêu, gừng và gia vị (tốt nhất không nên cho muối). Dùng cho trường hợp đau đầu, chóng mặt nôn ói, phù nề, tiểu ít.

Vịt hầm sa sâm ngọc trúc: vịt 1 con, sa sâm, ngọc trúc mỗi thứ đều 50g. Vịt làm sạch, tất cả được bỏ vào nồi, thêm nước, hầm chín, bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp âm hư miệng khô khát nước, táo bón, bệnh đái tháo đường.

Vịt hầm tỏi: vịt 1 con, tỏi 30g, vịt làm sạch, tỏi đập giập cho vào bụng vịt khâu kín, đun cách thủy cho chín, sau khi vịt chín, đặt sang xoong khác, thêm gừng tươi, bột tiêu, hành sống, gia vị và lượng nước sôi thích hợp, đun tiếp trong 30 phút là được. Dùng cho các trường hợp phù nề tiểu ít.

Vịt hầm trùng thảo: vịt 1 con, đông trùng hạ thảo 10g. Vịt làm sạch, đông trùng hạ thảo, gừng, hành cho trong bụng vịt khâu lại, cho muối tiêu, gia vị (thường thêm chút rượu), đặt trong nồi áp suất, hoặc nồi cách thủy, thêm ít nước đun nhỏ lửa trong 2 giờ cho chín nhừ. Dùng cho các trường hợp ho suyễn vã mồ hôi, đau lưng, di tinh do âm hư.

Cháo vịt: vịt đực 1 con, gạo tẻ 100g. Vịt làm sạch, nấu cho chín nhừ, tiếp tục cho gạo tẻ nấu tiếp cho thành cháo, cho thêm 3 củ hành đã đập giập. Ăn nóng khi đói. Chỉ định cho các trường hợp phù ứ nước.

Nước đường trứng vịt ngân nhĩ: trứng vịt 1 quả, ngân nhĩ 9g. Nấu ngân nhĩ cho chín tan, đập trứng vịt, cho đường phèn lượng thích hợp khuấy tan đều và đun sôi, thêm chút gia vị tùy ý. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản nhiệt, ho khan ít đờm, đau họng, khản giọng, mất tiếng.

Trứng vịt nước gừng bồ hoàng: trứng vịt 1 quả, bồ hoàng 10g, gừng tươi 5 - 10g. Gừng giã nát, cho 100 - 150ml nước, lọc lấy nước. Đập trứng vào nước gừng, khuấy đều, thêm bồ hoàng, đun tiếp nhỏ lửa trong 5 - 10 phút. Uống khi đói. Dùng cho sản phụ trước và sau khi sinh con có hội trứng lỵ.

Hột vịt lộn (trứng vịt lộn): trứng vịt cho ấp gần nở, đem luộc chín, ăn với gừng tươi thái lát nhỏ, rau răm, muối tiêu. Đây là món ăn bổ dưỡng, có tác dụng bổ hư trợ dương, các chứng thiếu máu, suy nhược, đau đầu chóng mặt, các bệnh nhân phẫu thuật chấn thương suy kiệt, sẹo lâu lành lên da.

TS. Nguyễn Đức Quang