PV: Thư ông, ý kiến của ông như thế nào về thông tin một số các trang mãng xã hội đưa tin từ ngày mùng 1/7/2016, bác sĩ bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám tư?
Ông Nguyễn Huy Quang: Xin khẳng định trước tiên, việc một số tờ báo và các trang mạng xã hội đăng thông tin như trên trong thời gian gần đây là sự suy diễn, gây hiểu lầm, không đúng với bản chất của các quy định đưa ra.
Dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP lần này với điều 14, mục 3 quy định người hành nghề khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng 9 nguyên tắc không có gì khác biệt so với trước đây. Thực chất, quy định này đã được ban hành và áp dụng từ ngày 1/1/2012 tức là từ cách đây 5 năm chứ không phải tới ngày 1/7/2016 tới này mới áp dụng.
PV: Vậy, theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công có được phép mở phòng khám và làm thêm tại các phòng khám tư nhân không thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Một lần nữa xin khẳng định, theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… Bác sĩ bệnh viện công được làm thêm, khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như trước đây.
Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định tại Chấm 5, Điều 14, Mục 3, trong dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP sau đây:
''Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.''
Nguyên nhân nhà nước từ trước tới nay vẫn cho phép các bác sĩ làm việc ở các bệnh viện công lập hành nghề khám chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân bởi những lý do:
Khám, chữa bệnh ngoài giờ nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh. Đây cũng là một cách nâng cao tay nghề cho y bác sĩ do có cơ hội làm việc thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các y, bác sĩ kiếm thêm thu nhập vì đồng lương còn thấp.
PV: Tại sao lại cho phép bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư mà không cho phép bác sĩ được thành lập hay làm giám đốc các bệnh viện tư hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Bởi phòng khám tư nhân hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, không hoạt động trong giờ hành chính, không làm sao nhãng và ảnh hưởng tới chất lượng công việc của các bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Khi một bác sĩ đang làm việc trong bệnh viện nhà nước mà tham gia quản lý bệnh viện tư nhân sẽ dẫn tới sao nhãng, phân tâm đối với công việc khám, chữa bệnh đang làm tại các bệnh viện nhà nước. Vì trong Luật Khám, chữa bệnh quy định, người thành lập, giám đốc bệnh viện tư phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện 24/24h và chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của người bệnh trước pháp luật.
Xin giải thích thêm, mô hình bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã tức là: Nhà nước cho phép một bệnh viện công lập A liên kết với doanh nghiệp để thành lập một bệnh viện khác ở khu vực khác. Bệnh viện này lấy tên và thương hiệu của bệnh viện công lập A. Bệnh viện này có thể lấy tên cơ sở 2 của bệnh viện công lập A. Tuy nhiên, hiện, ở Việt Nam cũng chưa có bệnh viện nào hoạt động theo thức này.
PV: Vậy những đối tượng bác sĩ nào được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Những bác sĩ từng làm việc tại các bệnh viện nhà nước đã về hưu, những y, bác sĩ đã được đào tạo nhưng không đi làm tại các bệnh viện công lập.
PV: Lý do nào mà Bộ Y tế lại đưa ra một dự thảo mới khi không có điểm gì khác biệt với những quy định cũ thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Việc đưa ra quy định này trong dự thảo nhằm mục đích nâng các quy định của Bộ Y tế lên thành các quy định của chính phủ. Những quy định này vẫn đảm bảo không trái với tinh thần của luật khám bệnh chữa bệnh đồng thời đáp ứng yêu cầu của Luật đầu tư là các điều kiện của kinh doanh khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, tại Điều 14, Mục 3, dự thảo nghị định trên nêu rõ: Người hành nghề khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng 9 nguyên tắc sau:
1. Một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không được đồng thời làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ 02 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trở lên.
2. Một người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách 01 khoa của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không được đồng thời làm người phụ trách từ 02 khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác).
3. Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách khoa trong cùng 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được phụ trách 01 khoa và phải phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo của người đó.
4. Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.
5. Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.
6. Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm việc ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động.
7. Người hành nghề đã đăng ký hành nghề tại 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khác với nơi mình đang hành nghề để bảo đảm tính liên tục, ổn định trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
8. Người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn (ví dụ: hội chẩn, mổ phiên) theo hợp đồng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải đăng ký hành nghề.
9. Trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì lý do ốm đau, nghỉ phép, đi học hoặc vì các lý do khác thì người chịu trách nhiệm chuyên môn phải thực hiện các thủ tục sau:
- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dưới 3 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh đó có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký hoạt động và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.
- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 3 ngày thì thực hiện theo quy định trên và phải có văn bản báo cáo Sở Y tế.
- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 30 ngày đến 180 ngày thì thực hiện theo quy định trên, có văn bản báo cáo Sở Y tế và được Sở Y tế chấp thuận bằng văn bản.
- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 180 ngày thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.