Dị ứng là bệnh gặp quanh năm. Tuy nhiên, tỷ lệ cao vẫn là mùa xuân, giao thời, giữa lạnh và nóng, mưa phùn, độ ẩm cao, nấm mốc dễ phát triển. Nhẹ thì có thể chỉ gây ra hiện tượng ngứa ngáy, khó chịu, da đỏ lên, đôi khi nổi mề đay từng vùng trên da hoặc toàn thân. Nặng thi có thể nổi nhiều mụn ngứa, có khi toàn thân, đôi khi tạo thành các mụn nước, vỡ ra... gây viêm nhiễm.
Dị ứng do đâu?
Do thức ăn: Tôm, cua, cá, ngao, sò biển, mắm ruốc... Có người sau khi thưởng thức những món ăn quý giá này đã bị dị ứng ngay.
Do khí, hóa chất hoặc các thuốc bảo vệ thực vật, gây dị ứng mạnh đối với một số người bệnh như sơn ta, thuốc trừ sâu, thậm chí cả thuốc tân dược... đã gây dị ứng toàn thân, làm đỏ nhừ, ngứa, phù nề, hoặc khó thở...
Do lông gia súc (chó, mèo...), nước tiểu súc vật... gây dị ứng đường phế quản, gây ho hen, khó thở...
Do phấn hoa, do các loại côn trùng cắn, đốt.
Nguyên nhân bên trong: do tạng phủ, do yếu tố tâm lý, do cơ địa...
Theo YHCT, một số tạng, phủ liên quan đến bệnh dị ứng, tạng can, liên quan về huyết (can tàng huyết), tức là liên quan về mặt giải độc, tạng tâm (tâm chủ huyết mạch), liên quan về tuần hoàn của huyết. Huyết (máu), là một phủ (kỳ hằng), là đối tượng chính của bệnh dị ứng trong cơ thể: Huyết nhiệt sinh phong (huyết nóng sinh ra phong ngứa), tạng phế, liên quan đến da (phế chủ bì mao), một trong những bộ phận trực tiếp xảy ra bệnh dị ứng... Như vậy, các tạng trực tiếp nhất liên quan đến bệnh dị ứng là can và tâm.
Do cơ địa dị ứng bẩm sinh, một số người có sẵn cơ địa dị ứng bẩm sinh, hoặc bị chàm da... khi tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai nói trên sẽ dễ bị kích ứng mà dẫn đến dị ứng.
Do yếu tố tâm lý, các yếu tố xúc cảm về tâm lý (stress), còn Đông y lại quan tâm đến chức năng của tạng tâm (tâm tàng thần).
Thuốc cổ truyền trị bệnh dị ứng
Từ các nguyên nhân nói trên, YHCT coi bệnh dị ứng là một trong những bệnh thuộc "phong". Do đó cách trị sẽ theo một số nguyên lý sau đây:
Trị phong tiên trị huyết, có nghĩa là, lấy "huyết" làm đối tượng để điều trị bệnh này, tức là đầu tiên hãy trị vào huyết.
"Huyết hành phong tự diệt", tức là khi huyết hành, huyết đã lưu thông thì phong sẽ hết (bệnh sẽ khỏi).
Trên cơ sở của hai nguyên tắc trên, YHCT vận dụng nguyên lý trị bệnh phong: "Khí hành huyết hành, khí tắc huyết trệ". Từ đó vận dụng các loại thuốc cổ truyền mang tính hoạt huyết: Đơn lá đỏ, ngưu tất, hồng hoa... đồng thời kèm theo là thuốc hành khí: Trần bì, hậu phác... để trị bệnh phong.
Ngoài ra, YHCT còn dùng thuốc để thanh can nhiệt với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc: Kim ngân hoa, sài đất, bồ công anh, liên kiều... Thanh nhiệt táo thấp: Hoàng liên, hoàng cầm, hoàng ba, chi tử... Hoặc khi huyết nhiệt, dùng các vị thuốc mang tính thanh nhiệt lương huyết: Sinh địa, mẫu đơn bì, huyền sâm... hoặc với mục đích thanh giải các chất độc theo đường nước tiểu, dùng các vị thuốc tỳ giải, xa tiền, thổ phục linh, trạch tả...
Đương nhiên tùy theo các bệnh, các bộ phận bị dị ứng, có thể phối hợp theo các nguyên tắc riêng với các vị thuốc khác nhau.
Các phương pháp điều trị
Phương pháp chà xát
Thường dùng phương pháp này khi bị ngứa, mày đay mang tính cấp tính, khi thời tiết thay đổi hoặc do một nguyên nhân nào đó: thức ăn, hơi, khí... trên người nổi đầy giát, ngứa, sưng... Dược liệu thường là kinh giới tươi hoặc khô đều được. Dùng bộ phận trên mặt đất của cây kinh giới, phần ngọn mang hoa (kinh giới tuệ), càng tốt. Đem kinh giới sao cho nóng già, gói vào mảnh vải gạc, hoặc mảnh lưới vó gai, càng tốt. Tiến hành chà xát khắp chỗ ngứa. Làm nhiều lần, sẽ giảm ngứa ngay.
Thuốc uống
Kinh giới, trúc diệp, mỗi vị 8g, kim ngân hoa, liên kiều, cam thảo, đậu xị, mỗi vị 10g, bạc hà, cát cánh, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột, hoặc thuốc sắc, ngày 1 thang, uống 3 lần. Dùng liền 2- 3 tuần lễ. Nếu dùng dưới dạng thuốc bột thì sau khi tán các vị thuốc trên thành bột mịn, trộn theo cách trộn bột kép, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8-10g, uống với nước sôi để nguội. Uống liền 2-3 tuần. Khi uống cần kiêng các thức ăn tanh, cay nóng...
Xông hơi thuốc khi bị chàm ngứa
Những trường hợp chàm ngứa, chỗ da bị ngứa thường day lên từng đám, thậm chí thâm tím lại, có nhiều mụn, và rất ngứa, đôi khi ảnh hưởng đến toàn thân: kém ngủ, kém ăn, người gay... tinh thần mệt mỏi, chán nản...
Trường hợp này nên dùng phương pháp xông hơi thuốc đun sôi. Dược liệu là bèo cái (bỏ rễ), hoặc củ ráy dại (dã vu) gọt bỏ vỏ ngoài, thái mỏng, thổ phục linh (thái phiến), lá ba chạc, tất cả dùng dưới dạng tươi. Khi xông hơi cần tập trung hơi vào bộ phận bị bệnh bằng cách trùm miếng vải kín như cách xông cảm. Tuần lễ, xông 2-3 lần. Đồng thời dùng bài thuốc này uống như trên.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh