Information & Events

Chích máu ở đầu ngón tay, ngón chân để sơ cứu đột quỵ?

Date 11/16/2015 15:18

nhathuoctot.com

TT - Theo chuyên gia y tế, khi chưa xác định rõ ai đó đang bị đột quỵ hay không thì không nên chích máu ở đầu ngón tay, ngón chân để sơ cứu.

 

Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não tại bệnh viện Lão khoa T.Ư Ảnh: Quỳnh Liên
Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não tại bệnh viện Lão khoa T.Ư Ảnh: Quỳnh Liên

Việc cần làm ngay là đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để bảo toàn tính mạng và tránh 
di chứng nặng nề cho người bệnh.

Cách đây không lâu, nhiều trang mạng đưa tin về một trường hợp “ông Tây” bỗng dưng ngất xỉu giữa đường phố Hà Nội, nhiều người dân thấy vậy đã xúm lại giúp đỡ.

Cho rằng “ông Tây” bị đột quỵ, trong lúc chờ xe cấp cứu, một số người dân đã mượn kim khâu, châm cứu lên mười đầu ngón tay, ngón chân, chích máu để sơ cứu cho “ông Tây”. Một lát sau “ông Tây” tỉnh lại và không đến bệnh viện nữa khi xe cứu thương tới.

"Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu kèm nôn ói, càng dễ hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài. Các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống...

BS Lương Quốc Chính

Không phải hễ bất tỉnh là đột quỵ

Thế nhưng, theo bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp trên bệnh nhân được mô tả là đột ngột bất tỉnh (có thể thêm các triệu chứng co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay...) và vài phút sau tỉnh lại là rất phù hợp với bệnh cảnh của một cơn động kinh.

Trong khi đó, hôn mê là tình trạng mất ý thức gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, hoặc thậm chí do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng...

Mỗi bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau, do đó người dân không nên cho rằng những người hôn mê đột ngột là do đột quỵ để tìm cách sơ cứu, nhất là chích máu đầu ngón chân, ngón tay. Không phải vì chích máu đầu ngón tay bệnh nhân mới tỉnh dậy, nếu là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể.

Hoặc, nếu bệnh nhân ở trạng thái ngất xỉu, bất tỉnh do Hysteria (một chứng về rối loạn tâm thần), thường có thêm triệu chứng thở nhanh, hạ canxi máu dẫn đến co quắp bàn tay... khiến nhiều người tưởng nhầm là đột quỵ thì việc châm kim và nặn máu có thể có tác dụng như là một liệu pháp 
tâm lý.

Bác sĩ Chính cũng nói thêm trong quá trình điều trị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ vào viện chậm trễ do trước đó được sơ cứu bằng những cách không chính xác làm trầm trọng thêm di chứng cho bệnh nhân (đa số những bệnh nhân này bị chích đến nát đầu ngón tay, ngón chân và cả dái tai mà không có hiệu 
quả gì).

Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất

TS.BS Nguyễn Văn Hướng, khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y, cho biết nhiều triệu chứng của đột quỵ não rất dễ nhầm với các nhóm bệnh khác mà chỉ người có chuyên môn mới phân biệt và cấp cứu đúng.

Do vậy, khi thấy ai đột ngột xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tê bì, tự nhiên ngã ra, ngất xỉu... nếu không phải người có chuyên môn, tuyệt đối không được can thiệp bằng việc châm, chích, không được cho ăn uống bất kỳ gì mà phải để bệnh nhân bất động, gọi cấp cứu 115, hoặc nhanh chóng cố định bệnh nhân trên xe, trên cáng, tránh va đập khiến tình trạng có thể trầm trọng hơn, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Hướng khuyến cáo với người bị hạ đường huyết khi chích máu đầu chi có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng.

Bác sĩ Chính cũng lưu ý dấu hiệu nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ là: xệ mặt, tay rủ, nói khó, nói lắp hoặc nói khó hiểu. Ngoài ra, các triệu chứng khác gồm: yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân; giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt; đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng; chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân... Đặc biệt, cần nghĩ đến đột quỵ khi xuất hiện các triệu chứng trên ở người có huyết áp cao, người có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch, người lớn tuổi.

Nguyên tắc cấp cứu cho người đột quỵ là nhanh chóng, tận dụng từng giây, từng phút. Điều trị càng sớm càng làm giảm thiểu các tổn thương não.

Chỉ chích máu ở đầu ngón tay khi xác định rõ bệnh nhân đột quỵ

Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hà Nội, y học cổ truyền vẫn sơ cứu cho những người bị đột quỵ bằng cách chích máu ở mười đầu ngón tay (huyệt thập tuyền).

Tuy nhiên, nên sử dụng bút đo đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường để trích máu, tránh đau cho người bệnh. Đặc biệt, phải lưu ý là chỉ trong trường hợp đã xác định rõ người bị đột quỵ mới được thực hiện, sau đó phải đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.


QUỲNH LIÊN