Information & Events

Chậm mọc răng và bệnh còi xương ở trẻ

Date 01/29/2016 11:05

nhathuoctot.com

Trẻ chậm mọc răng có thể do di truyền và thời điểm sinh em bé cũng quyết định thời điểm mọc răng của trẻ. Trẻ sinh đủ tháng sẽ có răng sớm hơn so với bé sinh thiếu tháng. Những em bé sinh thiếu tháng, nhẹ cân cũng sẽ mọc răng chậm hơn các bé bình thường. Tuy nhiên, giới hạn mọc răng đầu tiên của trẻ là 12 tháng tuổi. Điều bạn cần quan tâm là phát hiện sớm nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng để kịp thời thay đổi chế độ ăn uống và chăm sóc trẻ cho phù hợp.

Quá trình mọc răng của trẻ

Ở mỗi trẻ tiến trình mọc răng hoàn toàn khác nhau, có trẻ mọc răng sớm, có trẻ mọc răng muộn. Số răng của trẻ thông thường bằng số tháng tuổi trừ đi 4. Bình thường khi trẻ được 6 tháng tuổi, chiếc răng đầu tiên sẽ mọc. Trẻ bắt đầu mọc răng cửa hàm dưới trước tiên rồi đến răng cửa hàm trên, tiếp theo là răng cối sữa thứ nhất, sau đó là răng nanh. Khi mọc đến răng cối sữa thứ hai cũng là lúc bộ răng sữa đã mọc đủ, 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới. Lúc này trẻ đã được khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ mọc răng lúc mới 4 tháng tuổi và đến một tuổi đã mọc đầy đủ bộ răng sữa. Hoặc có trẻ không mọc một chiếc răng nào mãi cho đến khi được 2 tuổi.

Trong nhiều trường hợp trẻ phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần dù chưa mọc răng hoặc mọc răng chậm hơn so với tháng tuổi thì đó là do sinh lý. Nếu trẻ mọc răng chậm kết hợp với một số biểu hiện khác như trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng, ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi trộm ban đêm, thóp rộng... thường là do trẻ bị còi xương do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D và chế độ ăn nghèo canxi và phospho...

Những nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng

Trẻ chậm mọc răng do bị còi xương: Những trẻ dễ có nguy cơ còi xương là trẻ sinh non, trẻ sinh đôi, trẻ nuôi bằng sữa ngoài, trẻ quá bụ bẫm, trẻ sinh vào mùa đông... Các dấu hiệu còi xương ở trẻ như: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê; trương lực cơ nhẽo, táo bón... Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu. Việc bổ sung vitamin D và canxi dưới dạng thuốc là cần thiết nhưng bạn phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý cho bé dùng vitamin nói chung và canxi nói riêng vì trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn... do uống vitamin quá liều hoặc trong thời gian dài.

Trẻ chậm mọc răng do bị suy dinh dưỡng: Khi trẻ chậm mọc răng và trẻ có số đo về cân nặng và chiều cao thấp hơn trẻ bình thường với các triệu chứng của còi xương như trên là do trẻ bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn của trẻ ngoài việc đảm bảo các yếu tố chất đường, đạm, tinh bột, chất béo... việc hấp thu và chuyển hóa canxi thành canxi của xương phụ thuộc nhiều vào yếu tố xúc tác quan trọng nhất là vitamin D. Do đó, bạn nên cho trẻ vận động và tắm nắng buổi sáng hàng ngày trước 9 giờ. Bạn cần lưu ý, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng để tay, chân, lưng... của trẻ lộ ra ngoài, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng. Đừng bỏ phí ánh nắng mặt trời - “của trời cho”. Dùng đơn thuần canxi không đủ mà phải đồng thời kết hợp cùng vitamin D.

Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho.

Trẻ chậm mọc răng do bị thiếu canxi: Nguồn dinh dưỡng chính của bé khoảng 6 tháng tuổi vẫn là sữa mẹ. Thông thường, bé bú mẹ hoàn toàn sẽ được cung cấp đầy đủ canxi. Trường hợp trẻ thiếu canxi dễ xảy ra với nhóm bú bình (kể cả những đứa trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị thiếu canxi do nhu cầu về canxi cao hơn trẻ bình thường). Trẻ em và cả người mẹ đều có thể thiếu canxi do chất lượng sữa mẹ kém (nguyên nhân là do người mẹ ăn uống kiêng khem hoặc chế độ dinh dưỡng nghèo nàn).

Mặt khác, tỷ lệ canxi trong thức ăn được hấp thu liên quan đến một tỷ lệ phù hợp của một chất khoáng khác là phospho. Thức ăn có nhiều loại chứa hàm lượng phospho cao nhưng lại có ít loại chứa canxi mà hàm lượng lại thấp như tôm, tép, trứng, sữa, các loại ngũ cốc, rau, củ... Khi tỷ lệ phospho quá cao, trẻ hấp thụ quá nhiều phospho - sự hấp thụ canxi sẽ giảm đi.

Sự cần thiết cho sự hấp thụ canxi là vitamin D. Nguồn cung cấp chủ yếu từ ánh sáng mặt trời chiếm tới 80%. Nếu thiếu nó sẽ bị rối loạn hấp thu và chuyển hóa canxi. Thức ăn hàng ngày (tôm, cua, cá, sữa) chứa nhiều vitamin D nhưng vì vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu nên nếu chế độ ăn không đủ chất béo, dù có uống vitamin D cơ thể vẫn không thể hấp thu được.

Other news