Điều đáng nói, bệnh diễn tiến âm thầm nên phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, giá thuốc điều trị cao khiến không ít người bệnh chưa thể tiếp cận được với phác đồ điều trị. Trong khi đó chính sách y tế, bảo hiểm còn một khoảng cách với đối tượng này.
Chi phí điều trị khá cao
Vừa qua, tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội “Gan Mật Châu Á Thái Bình Dương” lần thứ 23 (APASL) diễn ra tại Singapore ghi nhận những tham luận, đánh giá của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phát hiện, điều trị viêm gan vi rút C. Theo chủ tịch Hiệp hội - bác sĩ Lim Gee Seng cho biết: một bệnh nhân viêm gan vi rút C mỗi năm phải tiêu tốn cho tiền thuốc và các xét nghiệm liên quan khoảng 10.000 USD, tương đương hơn 200 triệu đồng. Có khoảng 8 triệu người mắc viêm gan vi rút ở Việt Nam, trong đó 10 - 26,7% bệnh nhân xơ gan và khoảng 15% ung thư gan do viêm gan vi rút C gây ra. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách giúp người bệnh tiếp cận việc điều trị căn bệnh này.
Bệnh nhân viêm gan vi rút C rất cần có một chính sách “mở” để giảm gánh nặng điều trị.
|
TS. Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút C ở Việt Nam cao so với các nước trong khu vực một phần do người dân nhiễm bệnh mà không biết và chi phí điều trị còn khá cao. Ghi nhận trực tiếp tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy không ít các trường hợp bệnh nhân chấp nhận “sống chung” với viêm gan vi rút C vì chi phí điều trị là quá cao đối với họ. Anh N.C.T, 47 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, được các bác sĩ xác định viêm gan vi rút C thời kỳ đã tiến triển sang xơ gan, buộc phải điều trị nếu không muốn chuyển sang ung thư gan. Tuy nhiên, khi được biết phải điều trị theo phác đồ 72 tuần với chi phí khoảng 230 triệu đồng, anh N.C.T đành quyết định sống chung với bệnh, do số tiền quá lớn đối với anh. Trường hợp bà B.V.C, 66 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng cảnh tương tự khi phải ngưng điều trị giữa chừng cũng do không lo đủ chi phí điều trị.
Cần một chính sách mở
Thực tế, bệnh viêm gan vi rút C hiện tại đang là một áp lực không nhỏ đối với bệnh nhân cũng như hệ thống y tế. Vì thế theo các chuyên gia, để giảm gánh nặng điều trị viêm gan vi rút C cần có một chính sách “mở” của ngành y tế cũng như cơ quan bảo hiểm.
Được biết, ngày 11/7/2011 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT quy định Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị viêm gan vi rút C với hai hoạt chất Interferon và Peginterferon. Mặc dù đã có hiệu lực từ ngày 25/8/2011 nhưng đến nay người bệnh vẫn bị từ chối thanh toán vì nhiều lý do khác nhau. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết: “Việc cơ quan bảo hiểm y tế có thanh toán cho người bệnh mắc viêm gan vi rút C hay không là do cơ quan bảo hiểm quyết định. Hiện các bệnh viện truyền nhiễm trung ương tại Hà Nội và TP.HCM đã có phác đồ điều trị bệnh viêm gan vi rút C song Bộ Y tế cần phải ban hành phác đồ điều trị chuẩn sau đó trình với cơ quan bảo hiểm để thống nhất một phác đồ chung rồi mới tính đến chuyện thanh toán”. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, vẫn chưa có phác đồ chuẩn từ Bộ Y tế nên chưa tính đến việc có hay không xem xét chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh viêm gan vi rút C.
Như vậy, việc chưa đi đến thống nhất trong cách thức chi trả, phác đồ điều trị bệnh viêm gan vi rút C giữa các cơ quan chức năng đã khiến cho hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị viêm gan vi rút C gặp khó khăn trong quá trình trị liệu bệnh. Rất nhiều người trong số đó có thể không thể sống đến lúc các chính sách đó được thông qua.
Tuệ Minh